TRANG CHỦ > Tin tổng hợp

Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch

Ngày đăng tin: 14/05/2020,02:23:12)



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

 

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 được coi như Hội nghị Diên hồng về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau dịch; là Hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch COVID-19.

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Hội nghị có 02 báo cáo chính: (i) tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh; (ii) Các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Thủ tướng gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít. Thủ tướng mong muốn và đặt ra 6 yêu cầu đối với các doanh nghiệp. Đó là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, chia sẻ, khó khăn với Chính phủ; đoàn kết và hợp tác với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp; không nản chí nếu không sẽ tự mình bỏ cuộc; năng động quyết đoán vì nếu không sẽ thụ động và tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo để có sự chủ động trong sản xuất kinh doanh; cần có niềm tin vì nếu không sẽ tự mình chối bỏ mình.

Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có tinh thần yêu nước; yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới, như lò xo bị nén lại đến giờ sẵn sàng bung ra để phát triển. Doanh nghiệp phải đóng góp vào phát triển của đất nước để đưa nền kinh tế phát triển theo hình chữ V chứ không phải chữ U, hay chữ W.

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp đánh giá chung về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh; đánh giá khả năng hấp thụ các chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian qua; đồng thời, ghi nhận những vấn đề phát sinh, những vướng mắc của các doanh nghiệp trong thực tiễn triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành để đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất.  

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ đánh giá các cơ hội và triển vọng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh mới ở thời kỳ trước, trong và sau dịch COVID-19. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình hoạt động, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và nâng cao năng lực quản trị để phát huy các sở trường, thế mạnh, không chỉ nhằm thích ứng với hoàn cảnh và ứng phó linh hoạt với dịch bệnh mà còn tận dụng thời cơ để bứt phá, vươn lên hướng tới sự phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ hơn cho nền kinh tế.

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
188,894 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG