Tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ vượt 6,7%
Trình bày báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng 22/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tăng trưởng GDP cả năm ước vượt chỉ tiêu 6,7% Quốc hội đề ra. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018, Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%.
Về đầu tư: Thủ tướng cho biết tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP. Tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước giảm, tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 40,8%, cao hơn giai đoạn trước.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng; chỉ số ICOR giai đoạn 2016 - 2018 ở mức 6,32, thấp hơn con số 6,91 của giai đoạn 2011 - 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Về tái cơ cấu nền kinh tế: Đề án cơ cấu lại đầu tư công, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách đã được ban hành. Chính phủ rà soát, xử lý những vướng mắc trong đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cùng với đó, thời gian qua, Việt Nam quyết liệt thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 51 tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.
Tỷ lệ nợ xấu giảm còn khoảng 2%.Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 6 năm 2018 tỷ lệ nợ xấu là 2,09%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016.
Cơ cấu lại DNNN thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, bán cổ phần lần đầu 20 doanh nghiệp thu về 20,3 nghìn tỷ đồng, thoái vốn thu về 7,9 nghìn tỷ đồng; nâng tổng số lũy kế từ đầu nhiệm kỳ lên trên 170 nghìn tỷ đồng .
Lãnh đạo Chính phủ cho biết tập trung khắc phục hạn chế, bất cập; xử lý nghiêm các sai phạm, thu hồi tài sản Nhà nước. Cùng với đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được đi vào hoạt động.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017. Mặc dù sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng theo Thủ tướng, qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp. "Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục", Thủ tướng bày tỏ.
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Thời gian còn lại của năm 2018, Thủ tướng cho rằng không thể chủ quan, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Cùng với đó, Việt Nam cần bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh.