TRANG CHỦ > HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM

Các đối tác quốc tế đồng hành cùng Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Ngày đăng tin: 24/06/2025,03:54:28)



Ngày 24/6/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các Bên liên quan tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo Kế hoạch Chi tiết triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

 

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chương trình do Quỹ Joint-SDG của Liên Hợp Quốc tài trợ (UN Joint SDGs Fund) với sự tham dự trực tiếp của 80 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, Đại sứ quán các nước, các Tổ chức quốc tế, Tổ chức phi Chính phủ, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, khối doanh nghiệp, Hiệp hội và các chuyên gia. Hội thảo được tổ chức trực tuyến với khoảng 100 đại biểu tham gia từ các địa phương, tổ chức ngoài Hà Nội.

 

Hội thảo tham vấn là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ thành các hành động để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP ở Việt Nam trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chủ trì xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phiên bản 3.0, bao gồm cả phát thải của ngành nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết "An ninh lương thực và dinh dưỡng, thiên tai và BĐKH, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học … những vấn đề đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và bây giờ chứ không phải lúc nào khác chính là thời điểm mà chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ sự tồn tại của chính chúng ta và của cả thế hệ mai sau. “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” và “Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững" là một trong số các nội dung mà tất cả chúng ta có thể hành động ngay, góp phần thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững".

 

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam,
đồng chủ trì hội thảo

 

Tại sự kiện, Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo cũng nhấn mạnh: “Kế hoạch triển khai chi tiết (PIP) cần được xây dựng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, phản ánh chính xác các đường cơ sở và ưu tiên, xác định rõ trách nhiệm và các mốc thời gian, đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực hiện có. Đặc biệt, PIP cũng cần thể hiện rõ các cơ chế huy động đầu tư và đổi mới sáng tạo từ khu vực tư nhân, phù hợp với Nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị”.

 

Các diễn giả đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm về chuyển đổi hệ thống LTTP giữa các quốc gia, tiến trình triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia (ban hành theo Quyết định 300/QĐ-TTg) ở cấp trung ương và địa phương, đồng thời góp ý cho Dự thảo Kế hoạch triển khai chi tiết (PIP) và các hoạt động ưu tiên của 5 nhóm kỹ thuật liên ngành về thể chế chính sách, nông nghiệp sinh thái, dinh dưỡng và đa dạng thực phẩm địa phương, tổn thất và lãng phí thực phẩm, phân phối và tiêu dùng bền vững.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tại hội thảo, ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách nông nghiệp đã trình bày Dự thảo Kế hoạch triển khai chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm đến năm 2030. Ông nhấn mạnh việc bộ máy quản lý đã được tinh gọn, địa giới hành chính được điều chỉnh và các Nghị quyết của Trung ương về Khoa học công nghệ, Hội nhập quốc tế, Phát triển kinh tế tư nhân và Cải cách pháp luật đã được Trung ương ban hành. Vì vậy, cần đánh giá và cập nhật thông tin để Kế hoạch triển khai chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm được cập nhật theo sát điều kiện mới, đảm bảo đáp ứng mục tiêu đã được phê duyệt.

 

Bà Trương Tuyết Mai đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã xây dựng Kế hoạch thực hiện chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm chủ trì, tập trung vào an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Bộ đã công bố "10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý"; hướng dẫn dán nhãn sản phẩm dinh dưỡng; đề xuất đánh thuế thực phẩm chứa đường; giám sát chỉ số dinh dưỡng; và hỗ trợ nhóm yếu thế. Bộ cam kết lồng ghép thêm các hoạt động và kêu gọi sự phối hợp mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thực hiện thành công kế hoạch này.

 

Bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền đại diện tổ chức CIAT cho biết, CIAT là đối tác của Mạng lưới chuyển đổi Hệ thống LTTP sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, và các doanh nghiệp để triển khai các dự án, chương trình liên quan đến hệ thống lương thực thực phẩm. CIAT mong muốn các đại biểu sẽ góp ý tìm hiểu và đề xuất thêm các lĩnh vực có thể hợp tác để thực hiện thành công kế hoạch này.

 

Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm kỹ thuật đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên

 

Cùng với thảo luận chung, buổi chiều các đại biểu tham gia thảo luận về 05 nhóm  kỹ thuật để rà soát các hoạt động đang thực hiện, đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm từ các đối tác trong nước và quốc tế để hoàn thiện kế hoạch triển khai chi tiết 37 nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam đến 2030.

 

Sự kiện này đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường và 47 đối tác trong và ngoài nước trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi hệ thống LTTP - góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. 

 

Văn phòng ISG

 

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
375,234 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG