Ngành hoa cây cảnh ngày càng khẳng định vai trò trong nông nghiệp hiện đại
Sáng ngày 10/5/2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khai mạc Festival Hoa - Cây cảnh VNUA 2025 với sự tham gia của hàng trăm nhà vườn, doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa cây cảnh.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ (Ảnh: N.Anh)
Phát biểu khai mạc "Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 - Vì một ngành hoa cây cảnh Việt Nam hiện đại, bền vững và vươn tầm quốc tế", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, hoa và cây cảnh không chỉ là biểu tượng của cái đẹp, là giá trị tinh thần và văn hóa ngàn đời của dân tộc, mà ngày nay, còn thực sự trở thành một ngành kinh tế sinh thái quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, ngành hoa cây cảnh ngày càng khẳng định vai trò trong nông nghiệp hiện đại với diện tích trồng khoảng 45.000 ha, sản lượng 6 triệu cành, giá trị sản xuất trên 45.000 tỷ đồng/năm, và kim ngạch xuất khẩu vượt 100 triệu USD. Các loại hoa xuất khẩu chủ lực gồm hoa hồng, cúc, lan hồ điệp, với thị trường tiêu thụ chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Úc.
Các địa phương như Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM đã hình thành vùng chuyên canh hoa công nghệ cao. Nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng 10-15%/năm; người dân chi trung bình 45.000 đồng/năm cho hoa cây cảnh phục vụ nhiều mục đích.

Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu khai mạc Festival hoa và cây cảnh (Ảnh: N.Anh)
Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung khẳng định, hoa - cây cảnh là ngành hàng phát triển và được quan tâm nhiều trên thế giới. Năm 2024, hoa cắt cành xuất khẩu trên thế giới đạt doanh số 3,45 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 8%/năm.
Ở châu Âu, diện tích hoa cây cảnh chỉ chiếm 12% tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh thế giới nhưng tạo ra 42% giá trị tổng sản lượng, là khu vực có trình độ thâm canh cao nhất, giá trị sản xuất trung bình 120 nghìn Euro/ha. Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản có tỷ lệ hoa, cây cảnh trong nhà kính tương ứng là 17% và 51%, năng suất trung bình tương ứng là 10 và 140 nghìn Euro/ha/năm.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết lập các mô hình như vậy, nếu có sự vào cuộc quyết liệt từ trung ương đến địa phương, từ đơn vị nghiên cứu, đào tạo đến doanh nghiệp và nghệ nhân.
Để đạt được mục tiêu đưa hoa cây cảnh trở thành một ngành kinh tế bền vững, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định cần thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để hoa cây cảnh được công nhận là ngành hàng kinh tế chính thức trong cơ cấu trồng trọt quốc gia. Xây dựng các chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; Rà soát sửa đổi Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ hai, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh hoa cây cảnh tập trung tại các địa phương có lợi thế. Khuyến khích xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết với sự tham gia của doanh nghiệp làm trung tâm.
"Chúng ta cần phải xây dựng được một hệ sinh thái ngành hoa, cây cảnh - nơi mỗi sản phẩm không chỉ có chất lượng, giá trị thẩm mỹ cao mà còn được định danh, gắn với truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn bền vững và có thể được giao dịch trên các nền tảng số, tham gia chuỗi cung ứng quốc tế", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường chọn tạo giống hoa mới, giống bản địa có giá trị kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ cao: nhà kính, tưới nhỏ giọt, nuôi cấy mô, AI, IoT trong sản xuất, bảo quản, phân phối. Hỗ trợ xây dựng trung tâm công nghệ, vườn ươm giống hoa, trạm bảo quản và sơ chế hoa hiện đại.
Thứ tư, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu. Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua thương mại điện tử, hệ thống phân phối hiện đại, kết hợp du lịch sinh thái. Đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, xây dựng thương hiệu quốc gia cho hoa Việt Nam. Nghiên cứu hình thành một mạng lưới liên kết - một liên minh sàn giao dịch hoa cây cảnh quốc gia, có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu với các sàn giao dịch lớn trong khu vực và thế giới.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị. Tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng sản xuất, tạo hình, chăm sóc hoa, cây cảnh cho nông dân và nghệ nhân. Xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về hoa cây cảnh tại các trường đại học, cao đẳng. Phát huy vai trò của các viện nghiên cứu, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo, nghiên cứu và tư vấn chính sách.

Ra mắt sàn đấu giá, thương mại điện tử hoa, cây cảnh VNUA (Ảnh: N.Anh)
Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 là diễn đàn mở, nơi hội tụ trí tuệ, sáng tạo, tinh hoa và kết nối giữa nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nghệ nhân - nhà nông, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, hiệu quả và bền vững. Festival cũng bao gồm các chuỗi sự kiện bên lề gồm:
Triển lãm và ra mắt sàn đấu giá, thương mại điện tử hoa, cây cảnh VNUA.
Lễ khai trương Viện Sinh vật cảnh VNUA
Lễ khai mạc Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025 và Hội thảo quốc gia về phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam.
Hội thảo quốc tế: “Đổi mới công nghệ giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu”.
Khai mạc Không gian chợ đêm VNUA.
Hội chợ việc làm và kết nối doanh nghiệp VNUA 2025
Ngày hội Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo VNUA 2025.
Văn phòng ISG tổng hợp