Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4: Con người là trung tâm của chuyển đổi xanh

Ngày đăng tin: 17/04/2025,04:13:03)



Chiều 16/4/2025, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Đây là sự kiện cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh có quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026.

 

Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Đây là hội nghị cấp cao đa phương đầu tiên trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững mà Việt Nam đăng cai tổ chức.

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) chiều 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” của Hội nghị lần này thể hiện khát vọng của tất cả chúng ta hướng đến một thế giới sáng, xanh, sạch, đẹp với quan điểm nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho quá trình xanh hoá và phát triển bền vững trên hành tinh xanh tươi đẹp của chúng ta.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thông điệp về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phát biểu: Chặng đường chuyển đổi xanh của nhân loại trong thời gian qua không hề dễ dàng, có thành công, có thất bại, nhưng đã để lại những bài học kinh nghiệm quý và quan trọng, là hành trang quý giá định hướng cho chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới, xanh hóa hơn, bao trùm hơn, bền vững hơn.

Mục tiêu của chuyển đổi xanh, theo Thủ tướng là nhằm, bảo đảm cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi xanh. Một nền kinh tế xanh cần các doanh nghiệp xanh. Một xã hội xanh cần các công dân xanh. Một thế giới xanh cần các quốc gia xanh. Việc tham gia, đóng góp và hưởng thụ thành quả từ quá trình chuyển đổi xanh vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của tất cả các quốc gia, dân tộc theo tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”.

 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt; thị trường đóng vai trò dẫn dắt; nhận thức xã hội đóng vai trò nền tảng trong thúc đẩy chuyển đổi xanh. Cùng với đó, cần đề cao nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trách nhiệm trong chuyển đổi xanh. Đây là quá trình cần kiên định về mục tiêu, nhưng chủ động, linh hoạt về phương pháp và lộ trình, có tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Thành công của một quốc gia trong chuyển đổi xanh không chỉ thuộc về riêng quốc gia đó mà là của toàn thế giới, là tài sản chung của toàn nhân loại. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, cần đề cao nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trách nhiệm trong chuyển đổi xanh.

 

Thủ tướng cho biết, cùng với chuyển đổi số, Việt Nam xác định chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu khách quan, là yếu tố then chốt và động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, xanh và phát triển bền vững, hiện thực hoá mục tiêu chiến lược trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời góp phần từng bước hiện thực hóa các cam kết tại COP26 về đưa mức phát thải ròng về bằng "0" vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao thăm các gian hàng tại Triển lãm Tăng trưởng xanh

 

Với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị P4G lần thứ tư, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm, Việt Nam có 3 đề xuất để các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá và thống nhất cách tiếp cận, giải pháp và khuôn khổ hợp tác thời gian tới.

Thứ nhất, thúc đẩy hoàn thiện tư duy xanh, trong đó chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh…

Thứ hai, xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò định hướng, khuyến khích, bảo đảm thể chế ổn định, thuận lợi cho tăng trưởng xanh; khu vực tư nhân là nòng cốt trong đầu tư công nghệ, phổ cập các tiêu chuẩn xanh; cộng đồng khoa học tiên phong trong phát triển công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; người dân không ngừng nâng cao ý thức xanh và thật sự là chủ thể thụ hưởng những kết quả của chuyển đổi xanh.

 

Cuối cùng là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên, nhất là hợp tác đối tác công - tư (PPP), hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam, các khuôn khổ hợp tác đa phương… nhằm xóa bỏ rào cản về thể chế, tăng cường khả năng tiếp cận và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch dòng vốn xanh, công nghệ xanh và quản trị xanh.

 

 

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
375,396 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG