FAO - Việt Nam nâng tầm hợp tác Nam - Nam trong nông nghiệp
Từ ngày 05 đến ngày 08 tháng 02 năm 2025, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Mục đích của chuyến công tác nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa FAO và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, lương thực thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thách thức về an ninh phi truyền thống và ngành nông nghiệp dự báo sẽ là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Minh Hoan và Lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) (Ảnh: Đ.Nhung)
Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 11,86% GDP của quốc gia và tạo việc làm cho gần 30 % lao động. Trong suốt tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một phần to lớn đóng góp tích cực của các đối tác, bạn bè quốc tế, trong đó có tổ chức FAO, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trước khi tham dự buổi làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đoàn công tác cấp cao FAO đã tới thăm Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp. Tại đây, khi thăm các gian hàng triển lãm ông Khuất Đông Ngọc bày tỏ ấn tượng trước các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp được thiết kế bao bì rất bắt mắt và truyền tải được những giá trị, bản sắc riêng của địa phương và góp phần phát triển sinh kế cho cộng đồng. Ông bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến những thay đổi tích cực của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về sự thay đổi tư duy trong nông nghiệp tại buổi làm việc (Ảnh: Đ.Nhung)
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn sự quan tâm của ngài Tổng giám đốc FAO đã quan tâm tới các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp, ông cho rằng đây là sự khích lệ và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới ông và những người làm nông nghiệp. Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm Việt Nam đang thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ tập trung chú trọng đến giá trị sản phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường, sản xuất có trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Tổng giám đốc FAO rất ấn tượng với các thành tựu của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ lương thực sang thực phẩm gồm cả thực phẩm chức năng, thực phẩm cho sức khỏe, phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, sản phẩm OCOP. Cách thức phát triển của Việt Nam rất trùng hợp với các mục tiêu của FAO đưa ra cho toàn cầu (4B - 4 Better: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn), và các sáng kiến mà FAO đang hướng tới gồm: chuyển đổi số, OCOP toàn cầu, thành phố xanh... Ông bày tỏ FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đối nông nghiệp và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Ông Khuất Đông Ngọc - Tổng giám đốc FAO bày tỏ sự quan tâm đến các thành tựu của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây (Ảnh: Đ.Nhung)
Tại buổi làm việc, ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh đến tầm quan trọng thúc đẩy Hợp tác Nam - Nam của Việt Nam với các quốc gia đặc biệt là các quốc gia Châu Phi, Tổng giám đốc FAO muốn Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho các quốc gia khác, đặc biệt tại châu Phi. Đây cũng là cách Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng giúp Trung Quốc, và Trung Quốc đã từng giúp Việt Nam. Cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế nói chung, các quốc gia sẽ cần tương trợ lẫn nhau dựa trên thế mạnh của mỗi nước. Với vai trò là Tổng giám đốc của FAO, ông Ngọc cam kết sẽ sử dụng mạng lưới rộng khắp của FAO cùng hơn 40 năm kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tổ chức này để có thể hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác Nam - Nam của Việt Nam với các quốc gia Châu Phi.
Về Chương trình hợp tác Nam - Nam về nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hợp tác Nam - Nam, hợp tác ba bên với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế song phương và đa phương. FAO là cầu nối để huy động tài chính cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam có thể hướng dẫn, làm mô hình trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm với các nước Châu Phi thông qua hợp tác Nam-Nam.

Đại diện Bộ Nông nghiệp - PTNT và FAO đã ký kết Biên bản ghi nhớ thúc đẩy các mục tiêu chung trong cơ chế hợp tác Nam - Nam (Ảnh: Đ.Nhung)
Kết thúc buổi làm việc, FAO và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam - Nam với các nội dung chính như sau:
- Hỗ trợ kỹ thuật trong nông nghiệp, an ninh lương thực và dinh dưỡng thông qua việc phát triển và phổ biến các thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững cũng như công nghệ quản lý tài nguyên, một sức khỏe, an toàn thực phẩm; các phương pháp nông nghiệp sinh thái; “hành động khí hậu”;
- Hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cũng như hỗ trợ cho các sinh kế dựa trên nông nghiệp;
- Hỗ trợ kỹ thuật cho nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu cũng như sinh kế nông thôn có khả năng chống chịu với khí hậu, bao gồm cả giảm thiểu rủi ro thiên tai;
- Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện chuyển đổi hệ thống thực phẩm tại Việt Nam;
- Phát triển chăn nuôi có khả năng chống chịu với khí hậu, bao gồm thúc đẩy ngành sữa;
- Phát triển nghề cá bền vững và bảo tồn nguồn lợi thủy sản biển, kết hợp ứng phó với khí hậu;
- Thích ứng và chia sẻ các công nghệ nông nghiệp, bao gồm điện nông nghiệp và hệ thống canh tác cải tiến;
- Hệ thống thông tin an ninh lương thực được tích hợp vào trong chính sách chung và các quy trình lập kế hoạch;
- Hỗ trợ xây dựng năng lực thể chế nhằm hoàn thiện các chính sách, chiến lược, chương trình, cũng như năng lực giám sát và đánh giá;
- Hỗ trợ tăng cường hệ thống giáo dục, nghiên cứu và khuyến nông;
- Huy động doanh nghiệp tham gia vào các mô hình đối tác công - tư, thúc đẩy thương mại và đầu tư nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước đối tác.