Đối thoại chính sách về thương mại đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Trong khuôn khổ chuyến công tác Nhật Bản từ ngày 20-23/8/2024, ngày 20/8, tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội nghị “Đối thoại Chính sách thương mại và đầu tư nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản.”
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; ông Kunieda Gen, Cục Xuất khẩu và Quan hệ quốc tế, Đại diện Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cùng đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.
Hội nghị “Đối thoại Chính sách thương mại và đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” được tổ chức với mục đích chia sẻ các thông tin về cơ hội thương mại đầu tư, tạo cơ hội để đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó tạo cơ sở cho xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chương trình đã thu hút sự tham gia của 10 doanh nghiệp từ Việt Nam, hơn 40 doanh nghiệp tại Nhật Bản cùng với các cá nhân, tổ chức quan tâm.

Đối thoại Chính sách thương mại và đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với các cơ quan hữu quan hai nước để mở cửa cho một số mặt hàng quan trọng, như thanh long, xoài, nhãn, vải của Việt Nam và táo, quýt của Nhật Bản, từ đó góp phần duy trì đà tăng trưởng bền vững của kim ngạch thương mại nông nghiệp giữa hai nước nói riêng và thương mại hàng hóa nói chung.
Hiện nay thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm 7,4% tỷ trọng tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam chiếm 1,1% thị phần sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Nhật Bản.
Về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản hiện đứng thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với khoảng 45 dự án.
Hội nghị có 4 bài tham luận với những nội dung thiết thực, cụ thể về thực trạng, cơ hội, tiềm năng và chính sách khuyến khích về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực giữa hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá thông qua các tham luận, có thể nhận thấy cơ cấu nông nghiệp hai nước đang bổ trợ cho nhau, Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh về sử dụng đất nông nghiệp, các mặt hàng nông sản nhiệt đới, đồng thời nhập khẩu các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp như máy nông nghiệp, phân bón... và các mặt hàng nông sản ôn đới có chất lượng cao của Nhật Bản.
Đối với đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tận dụng thế mạnh về công nghệ, vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam để hình thành những chuỗi cung ứng cho thị trường Nhật Bản và xuất khẩu sang nước thứ 3.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng mặc dù có tiềm năng về thương mại và đầu tư như vậy, nhưng sự tăng trưởng của thương mại và đầu tư chưa ổn định, tỷ trọng của thương mại nông sản giữa hai nước còn khiêm tốn trong tổng thương mại nông sản với thế giới; chưa tận dụng hết tiềm năng hợp tác thành các kết quả cụ thể.
Tham luận “Khuynh hướng đầu tư và thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản” do ông Sho Hiromitsu, Đại diện JETRO, cho biết JETRO đã tổ chức chuyến công tác đến Việt Nam vào tháng 01/2024 với sự tham gia của 12 doanh nghiệp Nhật Bản để kiểm tra và đàm phán kinh doanh về cơ sở chế biến sò điệp.
Các doanh nghiệp tham gia bày tỏ mong muốn tìm hiểu khả năng hợp tác về việc tách vỏ sò điệp cũng như mong muốn sớm triển khai được hoạt động này tại Việt Nam.
JETRO có kế hoạch hướng dẫn các công ty Việt Nam đến các khu vực sản xuất sò điệp khi họ đến thăm Nhật Bản cũng như có kế hoạch tổ chức các cuộc họp kinh doanh để phát triển các kênh bán hàng tại các hội chợ thương mại ở nước ngoài tại Mỹ.
Những mối quan tâm, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiêp đã được các đơn vị đầu mối của Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, đưa vào đề xuất về tham mưu chính sách, xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý hai nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp hai nước tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại trong thời gian tới.