TRANG CHỦ > Tin tổng hợp

Việt Nam và các đối tác quốc tế cùng nỗ lực Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Ngày đăng tin: 09/12/2022,03:15:49)



Hôm nay ngày 08/12/2022 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế  2022 (Hội nghị toàn thể ISG 2022).  Chủ đề được lựa chọn cho Hội nghị toàn thể ISG năm 2022 là: “Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam”. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút đông đảo sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các Sở Nông nghiệp thuộc 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước, các hội, hiệp hội và các tổ chức có liên quan. 

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị - Ảnh Mai Lan

 

Mục tiêu của hội nghị là tham vấn các đối tác quốc tế và các bên liên quan về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, để khi ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo được tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập quốc tế, đồng thời có tính khả thi khi có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, có thể huy động được cả nội lực và ngoại lực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu chúng ta đang trong bối cảnh xung đột, đại dịch và khủng hoảng khí hậu, các chuỗi cung ứng lương thực và vật tư sản xuất trên toàn cầu bị đứt gẫy, giá lương thực tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi 8 tỷ người đang sống dựa vào vào hệ thống lương thực thực phẩm. Với tư duy đổi mới và cùng hành động, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, những mắt xích quan trọng, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành có liên quan, các đối tác quốc tế, để triển khai đồng, bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động này. Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh kế hoạch hành động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng xây dựng Đề án thành lập Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm Việt Nam để liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm xanh, bền vững và ít phát thải.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID 19 và nỗ lực đóng góp đảm bảo an ninh lương thực của toàn cầu. Ông Rémi Nono Womdim cho rằng, nông nghiệp toàn cầu thời gian tới sẽ phải đối mặt với những thách thức về gia tăng dân số toàn cầu, nguồn lực về đất đai, tài nguyên nước và năng lượng bị hạn chế. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như xung đột chính trị ở một số quốc gia, ảnh hưởng đại dịch COVID -19 đòi hỏi nông nghiệp phải có sự chuyển đổi mô hình sản xuất lương thực và thực phẩm cũng như mục tiêu tăng trưởng.

 

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Ảnh Mai Lan

 

Theo đó cần tranh thủ các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình triển khai các chương trình, dự án qua đó xây dựng một tầm nhìn chung giữa các quốc gia và phương pháp tiếp cận mang tính tổng thể cho việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đảm bảo hệ thống lương thực đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay cũng như các thế hệ tương lai.

Ông Rémi Nono Womdim cũng bày tỏ quan điểm tình hình thực tế đã thay đổi rất nhiều sẽ không còn sự đảm bảo về an ninh lương thực nếu vẫn theo cách làm cũ. Dự báo tăng trưởng về sản lượng cũng như là năng suất của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay không còn bền vững. Cần đưa ra tầm nhìn chung về phát triển hệ thống lương thực bền vững để đảm bảo có tiếp cận an toàn đối với lương thực cũng như dinh dưỡng cho tất cả mọi người.

 

Đối thoại chính sách với các Bộ ngành có liên quan - Ảnh Mai Lan

 

 

Hội nghị đã tổ chức các phiên đối thoại chính sách, tham vấn các bên liên quan. Trong phiên đối thoại chính sách cấp cao về các nỗ lực quốc tế và Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực thực phẩm, Ông Rémi Nono Womdim, trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, cơ quan đại diện cho Liên hiệp quốc đã đồng hành với Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký liên hiệp quốc, đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. FAO sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP ở Việt Nam đạt đươc các mục tiêu quốc gia và đảm bảo hài hòa với hệ thống toàn cầu. Tham gia trong phiên đối thoại này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hệ thống lương thực thực thực phẩm gắn liền với các vấn đề về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (ATTP) vì vậy hiện Bộ Y tế hiện cũng đang triển khai rà soát lại các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và sửa đổi Luật ATTP; phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng CSDL về chất lượng ATTP; Tiến hành kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan ATTP, truy xuất nguồn gốc, v.v… Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & PTNT, các Bộ, ngành có liên quan và các đối tác trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong KHHĐ sau khi được Chính phủ phê duyệt,  để đạt được cả mục tiêu chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và các mục tiêu về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm

Đại diện Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường, cũng cho trao đổi về các nỗ lực của các Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực thực phẩm. Các Bộ cũng đồng quan điểm về việc cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự quản lý nhất quán từ khâu sản xuất, phân phối đến sử dụng lương thực thực phẩm.

 

Thảo luận chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm  - Ảnh Mai Lan

 

Tham gia phiên chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài, Ông Conor Finn, đại diện Đại sứ quán Ai-len đã phát biểu: Ai-len sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm quý báu về hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững, các nghiên cứu phát triển cải thiện hệ thống gen trong nông nghiệp, và các kiến thức về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Ông Tony Harman, đại diện Đại sứ quán Úc cũng chia sẻ các kinh nghiệm của Úc về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm trong đó nhấn mạnh việc cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, tham gia các hệ thống song phương và đa phương, áp dụng những giải pháp đa dạng linh hoạt khác nhau để có thể sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía các tổ chức quốc tế, Nhóm Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu (CGIAR) bày tỏ quan điểm sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua hệ thống các sáng kiến của CGIAR trong nông nghiệp cụ thể là về an toàn lương thực, sức khỏe vật nuôi và cây trồng. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cũng đưa ra khuyến nghị để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm chúng ta không chỉ chú ý đến bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn cần bảo vệ con người. Con người cần có đủ thực phẩm thì mới có thể bảo vệ thiên nhiên bền vững. WWF cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản như mô hình tôm – lúa đang thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long để cải thiện thu nhập cho người dân và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân góp phần đóng góp vào phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững của Việt Nam.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn Tổ chức FAO và cộng đồng nhà tài trợ quốc tế và trong nước, các Bộ ban ngành ở trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia về sự ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua và rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quý vị trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng mong muốn Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững không chỉ là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách và được thực hiện ở cấp cơ quan, đơn vị quản lý, các tổ chức, các doanh nghiệp… mà còn cần rút ngắn khoảng cách từ thực hiện chính sách đến cuộc sống, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân thông qua các chương trình truyền thông tăng cường nhận thức để trang bị kiến thức về dinh dưỡng cho người dân, giúp người dân có thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí thực phẩm.

 

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
187,909 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG