TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam - Campuchia hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Ngày đăng tin: 08/11/2022,04:25:36)



Ngày 08/11/2022 trong khuôn khổ chuyển thăm chính thức đầu tiên tới Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chứng kiến lễ ký kết 11 văn kiện hợp tác giữa hai nước. Trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký kết với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Dith Tina.

Mục tiêu của Thỏa thuận hợp tác là thiết lập khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với luật pháp và quy định của hai nước. Bản thỏa thuận có hiệu lực từ ngày ký với thời hạn 5 năm, sau đó được tự động gia hạn trong thời hạn 5 năm tiếp theo, trừ trường hợp Thỏa thuận được kết thúc theo yêu cầu của một trong hai bên.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Bộ trưởng

Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Dith Tina (Ảnh: Ngọc Mậu)

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cung cấp, tính đến tháng 9/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Campuchia ước đạt hơn 2,77 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: xuất khẩu đạt 409 triệu USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021), nhập khẩu đạt hơn 2,3 tỷ USD (giảm 17% so với cùng kỳ 2021). Các mặt hàng nông sản nhập khẩu chủ yếu là hạt điều và cao su làm nguyên vật liệu chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu.

Về nông nghiệp, hai nước hợp tác chủ yếu trong một số lĩnh vực như: kiểm dịch động thực vật; thương mại gỗ hợp pháp; kiểm soát buôn bán gỗ và động vật hoang dã; hợp tác về ngăn chặn, giải quyết tình hình tàu cá vi phạm vùng biển; hỗ trợ người gốc Việt ở Biển Hồ và hợp tác quản lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn biên giới hai nước.

Việc phối hợp giữa hai quốc gia về lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gặp phải một số khó khăn và cần thúc đẩy triển khai các thỏa thuận về các nội dung sau: Quy chế tài chính về quản lý sử dụng vốn viện trợ hoặc các văn bản hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các chương trình/dự án viện trợ cho Campuchia; Thiết lập đường dây nóng về các hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước; Cơ chế phối hợp khu vực chung đường biên giới để bảo vệ rừng và hạn chế khai thác, vận chuyển buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép qua biên giới; Kiểm dịch và bảo vệ thực vật để kiểm soát dịch bệnh gây hại tại khu vực biên giới của hai nước; Hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn nước, đặc biệt ở lưu vực sông Mê Kông trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, nông-lâm-ngư nghiệp, thông tin và truyền thông, tài chính - ngân hàng, văn hoá, du lịch, giao lưu nhân dân, thể thao...

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà hai bên đang có thế mạnh vì sự thịnh vượng và phát triển của hai quốc gia cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Một số nội dung của các lĩnh vực hợp tác nông nghiệp trong Thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam - Campuchia:

a) Kiểm dịch động thực vật;

b)Trồng trọt và chăn nuôi;

c) Ngư nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản;

d) Thủy lợi và quản lý nguồn nước;

e) Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu;

f) Lâm nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên;

g) Khuyến nông, phát triển nông thôn và an ninh lương thực;

h) Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

i) Đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn;

j) Thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nông nghiệp;

k) Kết nối trong chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông lâm thủy sản;

l) Các chương trình/dự án hỗ trợ cho phát triển nông thôn bền vững;

m) Tăng cường hợp tác trong/về những vấn đề địa phương;

n) Các hoạt động hợp tác khác do hai bên thỏa thuận cụ thể.

 

 

 

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
375,632 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG