TRANG CHỦ > BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững

Ngày đăng tin: 20/10/2022,09:32:02)



Ngày 20 tháng 10 năm 2022 tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện đối tác công phối hợp cùng Công ty TNHH Nestles Việt Nam đại diện đối tác tư đã cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái: “Giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đại điện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đại diện cho khối doanh nghiệp đồng chủ trì Diễn Đàn. Tham dự Diễn đàn còn có sự hiện diện của Ông David Rennie, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Nesle toàn cầu, cùng hơn 80 đại biểu đại diện cho các các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp các tỉnh thành trên cả nước, các Viện nghiên cứu và các trung tâm, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc diễn đàn (Ảnh: Minh Thái)

 

Mục tiêu của Diễn đàn là (1) Đối thoại để chia sẻ, trao đổi thông tin  và nâng cao nhận thức về mô hình nông nghiệp sinh thái và những lợi ích kinh tế - môi trường mang lại; (2) Giới thiệu các phương pháp canh tác sinh thái thân thiện với môi trường dễ dàng có thể áp dụng thực tế và nhân rộng tại Việt Nam; (3) Nâng cao năng lực về công tác thông tin, tuyên truyền, các phương pháp, mô hình tổ chức quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp ; (4) Thúc đẩy hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)  trong bối cảnh giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu và công nghiệp hoá nông nghiệp; (5) Tổng hợp thông tin về các nỗ lực của doanh nghiệp giảm phát thải, đóng góp đầu vào đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhất là đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, có vị trí đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Trải qua đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã cho thấy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Tuy nhiên, tác động của Biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, gây thiệt hại cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung. Để thực hiện tốt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) nhằm giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Toàn cảnh diễn đàn Diễn đàn (Ảnh: Minh Thái)

 

Đồng quan điểm với Thứ trưởng về vấn để biến đổi khí hậu, ông David Rennie, Phó chủ tịch Điều hành Tập đoàn Nestlé toàn cầu nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của xã hội. Đây cũng là một trong những rủi ro lớn nhất đối với việc sản xuất các thành phần trong thực phẩm và đồ uống của chúng tôi. Chúng tôi đang tích cực hành động để trở thành một công ty có mức phát thải ròng bằng 0 và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các hệ thống thực phẩm tái sinh trên quy mô lớn. Hôm nay, chúng tôi tới đây để chia sẻ về phương pháp tiếp cận nông nghiệp tái sinh và lý do tại sao nông nghiệp tái sinh là một phần quan trọng trong lộ trình giảm phát thải bằng 0 của Tập đoàn Nestlé”.

Tại diễn đàn các các diễn giả đến từ các hiệp hội, các công ty cũng chia sẻ các phương pháp sản xuất sinh thái thân thiện với môi trường dễ dàng có thể áp dụng thực tế và nhân rộng tại Việt Nam. Diễn đàn cũng đưa ra các phân tích, xác định rõ vai trò, các giải pháp trọng tâm doanh nghiệp đã áp dụng để thúc đẩy giảm phát thải và tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu, các khuyến nghị và đề xuất chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn/quy chuẩn mới để tăng cường phát triển nông nghiệp bền vững và mở rộng tiếp cận thị trường của nông sản Việt.

Thông tin về các đóng góp của doanh nghiệp trong nỗ lực giảm phát thải của ngành nông nghiệp sẽ được tổng hợp vào báo cáo thực hiện giảm phát thải của Việt Nam trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP17. Sau diễn đàn, các đại biểu sẽ có chuyến tham quan, khảo sát thực tế nông hộ canh tác cà phê tại Đắk Lắk để học thêm kinh nghiệm về mô hình nông nghiệp xanh nhằm áp dụng rộng rãi cho các mặt hàng nông sản khác.


 

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
375,627 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG