TRANG CHỦ > BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tiềm năng phát triển và đóng góp giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp Việt Nam của than sinh học

Ngày đăng tin: 14/09/2022,09:11:48)



   Sáng ngày 14/9/2022 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tiềm năng ứng dụng than sinh học giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp Việt Nam”.

Đây là hội thảo thứ hai do Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) phối hợp với UNIDO và đơn vị thực hiện dự án - Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức liên quan đến chủ đề ứng dụng than sinh học trong nông nghiệp. Mục tiêu của hội thảo  là giới thiệu về tiềm năng ứng dụng than sinh học để giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển sản xuất than sinh học tiêu chuẩn ở Việt Nam, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam đến năm 2050.

 

Ông Vũ Thanh Liêm - Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Alessandro Flammini - Điều phối viên dự án UNIDO cùng đại diện các đơn vị tham gia điều hành hội thảo

 

Từ năm 2017, UNIDO với sự tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học như một giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp được sản xuất bởi hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ, được biết đến là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, qua đó hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vỏ trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, v.v... đều có thể sử dụng, nguồn nguyên liệu này lại rất sẵn nhưng hiện đang bị bỏ phí hoặc sử dụng với giá trị thấp. Nếu các nguồn phụ phẩm này được kết hợp với công nghệ nhiệt phân để sản xuất than sinh học, Việt Nam sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mang lại lợi ích vô cùng to lớn. Ví dụ, trong nông nghiệp than sinh học giúp cải tạo đất, làm phân bón sinh học, làm thuốc trừ sâu sinh học (giấm gỗ) và làm phụ gia thức ăn gia súc. Trong công nghiệp, than sinh học có thể ứng dụng để sản xuất than hoạt tính sử dụng làm nguyên liệu lọc nước trong gia đình, xử lý nước thải công nghiệp và lọc nước trong nuôi trồng thuỷ sản. Than hoạt tính được dùng trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm, chăm sóc tại nhà và vật nuôi…Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, lượng phát thải giảm khi sử dụng than sinh học có thể bán ra thị trường các bon quốc tế nếu có thể đo đạc, tính toán trữ lượng trên cơ sở khoa học.

 

Đại biểu tham gia hội thảo Tiềm năng ứng dụng than sinh học giảm phát thải các-bon
trong nông nghiệp Việt Nam

 

Tại Hội thảo các chuyên UNIDO, VNCPC và các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu của Bộ đã thảo luận, góp ý để làm rõ hoàn thiện các căn cứ khoa học chứng minh tiềm năng ứng dụng của than sinh học.

Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT bà Lê Hoàng Anh, đại diện Vụ khoa học công nghệ và Môi trường bày tỏ sự quan tâm đến tiềm năng ứng dụng than sinh học giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp và đề nghị UNIDO cùng đơn vị triển khai dự án tiếp tục phát triển các nghiên cứu, bằng chứng khoa học về hiệu quả của than sinh học. Trên cơ sở các nghiên cứu đó, các cơ quan quản lý nhà nước ban hành tiêu chuẩn chứng nhận, cũng như ban hành khung chính sách để thúc đẩy hợp tác và phát triển sản xuất than sinh học tiêu chuẩn ở Việt Nam và có thể đưa than sinh học thành một trong các giải pháp để đưa vào Các Đóng Góp Do Quốc Gia Tự Quyết Định (NDC) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kết luận tại hội thảo Ông Vũ Thanh Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu Bộ có chủ trương tìm kiếm, tiếp cận giải pháp, công nghệ của các nước phát triển để hướng tới ngành nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững. Việc phát triển than sinh học để vừa tận dụng được hết nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp, tạo thêm giá trị gia tăng và góp phần giảm khí thải nhà kính cũng là một trong những giải pháp được Bộ quan tâm. Ông cũng đề nghị Thuỵ Sỹ, UNIDO, các đối tác phát triển khách tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học của Bộ để đưa ra một báo cáo khoa học đầy đủ để làm căn cứ cho Bộ xây dựng hành lang pháp lý để phá triển nguồn “vàng đen” này.

 

 

Một phóng sự từ VTC16 về Than sinh học:

 

Các tin khác

Liên kết
Lượt truy cập
193,026 lượt
Đối tác và mạng lưới ISG