TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

RCEP cùng các FTA mới hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

(Ngày đăng tin: 26/11/2020,10:40:21)



 

Tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bổ trợ cho Hiệp định CPTPP và cả những FTA mà Việt Nam đã ký với mỗi nền kinh tế lớn trong khuôn khổ hiệp định, thúc đẩy Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu thuận lợi hơn.

Về nội dung của RCEP: Các cam kết của Việt Nam trong RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia trong khi CPTPP và EVFTA là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Vì thế, RCEP phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng Hiệp định RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn.

RCEP cũng bao gồm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các Hiệp định FTA của ASEAN trước kia như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, nhưng nội dung và mức độ cam kết là phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Các nội dung này cũng đã được ta cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Do vậy, mức độ cam kết của Việt Nam trong RCEP nhìn chung là hài hòa, có cao hơn các FTA ASEAN Cộng hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia là CPTPP và EVFTA.

Về quy mô thị trường: Với dân số trong khu vực lên tới hơn 2,2 tỷ người, RCEP có phần lớn hơn chút so với các CPTPP và EVFTA. Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể về mặt thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bên cạnh các thị trường được mở ra từ việc ký kết các Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Ngoài ra, hiệp định RCEP cũng bổ trợ cho CPTPP và các FTA mà Việt Nam đã ký trước đây với các nền kinh tế lớn trong RCEP, như VJFTA với Nhật Bản, KVFTA với Hàn Quốc, AFTA với ASEAN khi cung cấp thêm lựa chọn cho việc tận dụng các cơ hội và ưu đãi từ cam kết trong các hiệp định này. Ví dụ như việc sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP hay FTA Việt Nam – EU. Điểm khác biệt, đó là nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, thì RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là tạo ra một khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại và tạo không giản kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Vì thế, lợi ích mang lại cũng khác biệt. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018, việc thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp tổng sản phảm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

Thêm nữa, mục tiêu mà ASEAN hướng đến là hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Bởi vậy, RCEP là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Rõ ràng, để có thể trở thành không gian sản xuất thống nhất thì cần có thị trường đủ lớn và RCEP đảm bảo cho điều kiện tiên quyết đó.

Có thể nói, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế. Các nền kinh tế trong RCEP cũng có tính đa dạng cao, trong đó có những nền kinh tế có tiềm năng về vốn đầu tư hay công nghệ, có nền kinh tế có nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra không gian sản xuất thống nhất.