TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Xây dựng các phương án cho xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật

(Ngày đăng tin: 23/12/2019,02:10:41)



Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang ngày 22/12/2019

 

Để chuẩn bị các điều kiện cho xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Bắc Giang có vùng sản xuất vải lớn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đề nghị tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, ngay từ khâu chuẩn bị ra hoa cũng cần tổ chức sản xuất thật tốt. Bộ sẽ cử cán bộ chuyên môn về: bảo vệ thực vật, trồng trọt, chế biến và phát triển thị trường và một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu để xây dựng kế hoạch chi tiết với tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn cùng phối hợp với cán bộ của Bộ; trong đó có việc mời tham tán thương mại phía Nhật Bản sang kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất. Bắc Giang phải cố gắng để mùa vải năm nay, lô đầu vải đầu tiên xuất khẩu đi Nhật Bản có sự tham gia của tỉnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm nay, cây vải chưa được rét để phân hóa mầm hoa tốt, nên cần rất chú ý về kỹ thuật đảm bảo vải ra hoa trong điều kiện hơi bất thuận về phân hóa mầm hoa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần hết sức chú ý kiểm soát sâu bệnh ngay từ đầu theo đúng quy trình GlobalGAP và VietGAP để đảm bảo mùa quả vải không chỉ đảm bảo năng suất mà còn đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, ngay sau khi Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát các yêu cầu, điều kiện, hướng dẫn sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.

Tỉnh cũng chuẩn bị các phương án liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để chủ động tiếp cận thị trường, sẵn sàng cho việc xuất khẩu ngay từ vụ vải 2020. Xác định các thị trường đều có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… nên tỉnh tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; triển khai các giải pháp đồng bộ trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều sang các thị trường mới có tiềm năng như: EU, Nhật Bản… ; chú trọng vào xuất khẩu vải thiều đóng gói, chế biến có giá trị gia tăng cao.