TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ

(Ngày đăng tin: 19/12/2019,11:53:52)



Buổi Tọa đàm trực tuyến “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ”, 6/12/2019

 

Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã tạo ra những bước bứt phá, khắc phục những tồn tại và tạo ra sự phát triển tích cực. Ngành đã có sự chuyển dịch tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, thị trường thuận lợi. Nhờ sức sản xuất lớn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh trong những năm qua. Năm 2019, ước kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 – 42 tỷ USD.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản, rau quả…  là những ngành đã triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ và đạt thành tựu lớn. Thành công này là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với các cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, tạo thời cơ, tạo sức bật cho các thành phần kinh tế tham gia; trong đó, có sự đầu tư của tư nhân. Ngoài ra, còn yếu tố “kéo” là thị trường là Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do đã giúp chúng ta phát triển sản xuất mà còn có sự điều chỉnh trong sản xuất để phù hợp với thị trường.

Điển hình việc đẩy mạnh phát triển thủy sản đã và đang khẳng định một lợi thế của Việt Nam. Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã khẳng định thủy sản là lợi thế của vùng ĐBSCL. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp cũng nhanh chóng chuyển trục sản xuất từ lúa sang thủy sản, trái cây…

Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương, trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh, việc chuyển đổi nhằm thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp. Thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi cũng đã ổn định.

Đặc biệt, xu thế cũng như nhu cầu của thị trường thế giới thì các lĩnh vực về thủy sản, trái cây cũng đang tăng nhanh, nhiều thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội để xuất khẩu, nhiều cơ hội để nâng cao giá trị… Bên cạnh đó, thị trường lúa gạo của chúng ta đang dần hẹp lại và chắc chắn thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, bản thân các nước đối thủ của chúng ta chưa giảm sản xuất lúa, trong khi các nước nhập khẩu thì lại thắt chặt các quy định, kiểm soát chặt chẽ…