TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Kết quả ấn tượng sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp

(Ngày đăng tin: 13/11/2018,09:34:34)



Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (2013-2018), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là sự kiện hết sức quan trọng nhằm đánh giá quá trình thực hiện, kết quả đạt được, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, yếu kém để rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp cho thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp &PTNT cho biết 5 năm qua, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi và hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã được ban hành, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, đầu tư, tín dụng nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, bảo hiểm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Qua 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đã đề ra. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án về cả 3 trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường) đã đạt hoặc gần tiệm cận mục tiêu của năm 2020”.

Về mục tiêu kinh tế, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (có thời điểm tăng trưởng âm), nhưng tính chung cả giai đoạn, nông nghiệp vẫn đạt được tăng trưởng 2,55%/năm. Việt Nam đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, có thứ hạng trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước; riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt trên 36 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước; năm 2018 ước đạt 40 tỷ USD.

Về mục tiêu xã hội, cùng với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm, thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 1,71 lần.

Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%); tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại  trong sản xuất đã được từng bước được kiểm soát, giám sát, xử lý nghiêm.

Khẳng định những kết quả quan trọng trong 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, đặt doanh nghiệp ở vai trò trung tâm, coi trọng thị trường trong nước để người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả tái cơ cấu.  

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, thách thức đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục, giải quyết để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trang của các sản phẩn nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.

Về tầm nhìn phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cần xác định mục tiêu chung là “xây dựng dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng”. Đánh giá đây là những mục tiêu cao nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân phải thực sự vào cuộc quyết liệt. “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng; là một quá trình, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực; cần sự chung tay, sự sâu sát của các ban, bộ, ngành và cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời, khắc phục những điểm còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp.