TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

(Ngày đăng tin: 23/11/2016,07:20:17)



Diễn đàn “Hợp tác quốc tế thúc đẩy Nông thôn mới Việt Nam giai đoạn 2016-2020”.
Trong khuôn khổ dự án: “Hỗ trợ kỹ thuật và chính sách để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam (2013-2020)” do Chính phủ Canada tài trợ, ngày 21/11/2016, Văn phòng Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG), Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, phối hợp với Văn phòng điều phối TW Chương trình MTQG NTM, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn “Hợp tác quốc tế thúc đẩy nông thôn mới Việt Nam giai đoạn 2016-2020”. Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ HTQT nêu rõ: Tiếp nối những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với nhiều nội dung đã được rút kinh nghiệm, điều chỉnh theo hướng phù hợp thực tiễn, tăng cường dân chủ, minh bạch hóa, phát huy mạnh mẽ vai trò của cộng đồng, tiếp cận chặt chẽ mục tiêu quốc gia với mục tiêu của Liên Hiệp quốc, gắn kết 19 tiêu chí NTM với 17 tiêu chí của Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững. Ông Long nhấn mạnh, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, theo đó đồng ý bố trí đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng (khoảng gần 20 tỷ USD. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển nông thôn mới hiện tại với các nhóm vấn đề rất phức tạp và nặng nề thì nguồn lực này còn rất thiếu. Về định hướng ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020, Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM nhấn mạnh các vấn đề: cơ sở hạ tầng cho những khu vực khó khăn, rút ngắn khoảng cách vùng miền; hỗ trợ kỹ thuật cho định hướng sản xuất quy mô lớn và chuỗi giá trị, phát triển đời sống, hướng đến các sản phẩm chính của đất nước; hỗ trợ kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu trong môi trường nông thôn. 
Theo Bà Carolina V. FigueroaGeron, Ngân hàng Thế giới (WB) trong phần trình bày về thiết lập Chương trình dựa trên kết quả (PforR) để hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia. Mục tiêu phát triển của Chương trình là góp phần tăng thu nhập khu vực nông thôn ở các vùng nghèo nhất nước thông qua những cải thiện trong việc cung cấp, tiếp cận và đầu tư chất lượng vào năng suất nông nghiệp và hoạt động sinh kế trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135 nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững. Theo đó, trọng tâm của chương trình là hỗ trợ Chính phủ cải thiện quá trình thực hiện, cơ chế và quy trình lập kế hoạch, triển khai, giám sát đánh giá và quản trị Chương trình mục tiêu quốc gia NTM nhằm đạt được những kết quả về giảm nghèo một cách hiệu quả hơn.
Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ ngân sách dành cho đầu tư công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và sinh kế, góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập hộ nông thôn. Bà Carolina V. FigueroaGeron cho biết thêm “Khoản vay IDA 200 triệu USD (có hiệu lực từ tháng 6/2017) sẽ hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách để hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững”. Tại Diễn đàn, các đại biểu đều nhất trí Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 có cam kết nguồn vốn lớn hơn, linh hoạt hóa các tiêu chí, thể hiện rõ sự phân cấp cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện Chương trình, mỗi địa phương cần có một lộ trình riêng và cần sự tư vấn kỹ thuật cụ thể. Chương trình cũng cần chú ý đến việc xây dựng năng lực cho cán bộ địa phương, lồng ghép biến đổi khí hậu vào Chương trình Xây dựng NTM. Chương trình Xây dựng NTM đòi hỏi phải thực hiện trong dài hạn, là một quá trình lâu dài và theo lộ trình riêng, phù hợp với đặc thù vùng miền.  
Các đại biểu nêu rõ nhiều thách thức, song cũng nhận mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn và còn thiếu về nguồn lực cần tận dụng những nguồn lực đã và đang có, kế thừa và phát huy hiệu quả. Cần ban hành những chính sách phù hợp, linh hoạt, hướng dẫn cụ thể và cần thời gian để triển khai. Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là gắn kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai. Các doanh nghiệp quốc tế cũng sẵn sàng gắn kết với các hoạt động trong chương trình NTM và hy vọng sẽ kết hợp với khối công (Nhà nước) để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông thôn. Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông JongHa Bae cho biết, FAO phối hợp với Chương trình MTQG XD NTM kể từ khi chương trình được thành lập vào năm 2011để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và một chương trình chung của LHQ về xây dựng NTM mà FAO là cơ quan dẫn dắt vẫn đang được tiến hành cho đến cuối năm 2017.
FAO tiếp tục cung cấp những hỗ trợ cho nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ Chính phủ, xây dựng các chính sách dựa vào bằng chứng cho an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, tăng cường các cách tiếp cận, lồng ghép để sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, trong đó quan tâm đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các chương trình của LHQ do FAO chủ trì sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó, riêng FAO sẽ hỗ trợ một chương trình kỹ thuật để nâng cao thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Tại diễn đàn, ông JongHa Bae mong muốn kêu gọi tất cả các đại biểu tham gia cùng đưa ra những ý tưởng, sáng kiến và hy vọng sẽ giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, chuẩn bị, tổ chức và thực hiện tốt chương trình NTM trong thời gian tới.