TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Xây dựng chính sách phát triển than sinh học để khai thác hiệu quả nguồn “vàng đen” của ngành nông nghiệp.

(Ngày đăng tin: 18/03/2024,12:26:39)



Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức “Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo tham vấn thu hút gần 30 đại biểu đến từ các đại diện của các Bộ ngành, đại diện các Cục, Vụ Viện, Trường, Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Hiệp hội nông nghiệp, và các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước.

 

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu ngành nông nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, bắt nhịp với xu hướng “xanh” và “sạch” toàn cầu, hướng đến phát triển năng lượng sạch, tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm, chất thải trong nông, lâm, thuỷ sản biến chúng thành nguồn tài nguyên tái tạo, là đầu vào quan trọng kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

 

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội thảo

 

Than sinh học là sản phẩm chất đốt thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích kinh tế khi sử dụng và được ví như “Vàng đen” cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó các-bon trong than sinh học có thể cô lập lượng khí thải, có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.

 

Nguyên liệu sản xuất than sinh học rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ đậu phụng, bã mía, vở trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, v.v... đều có thể sử dụng, trong khi nguồn nguyên liệu này tại Việt Nam lại rất sẵn nhưng hiện đang bị bỏ phí hoặc sử dụng với giá trị thấp. Nếu các nguồn phụ phẩm này được kết hợp với công nghệ để sản xuất than sinh học ở Việt Nam sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề như giải phóng môi trường, mang lại lợi ích to lớn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lượng lao động vùng nông thôn, làm nguồn phân bón tốt thay thế cho các loại phân bón hoá học nhập khẩu vừa giảm chi phí vừa có hiệu quả lâu dài đối với môi trường, nâng cao giá trị cho các nguồn phụ phẩn dồi dào trong nông nghiệp.

 

Phát biểu tại cuộc họp Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết Trong năm 2022, UNIDO đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam tổ chức 02 hội thảo kỹ thuật để giới thiệu về than sinh học và những lợi ích của than sinh học trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

 

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

Hiện tại, than sinh học đã khá phổ biến tại Việt Nam và ngày càng nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, từ khía cạnh nghiên cứu, sản xuất, thương mại và ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản về hoạt động và quy định đang cản trở việc công nhận và áp dụng than sinh học như thiếu tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm than sinh học trong nước, thiếu sự hợp tác và tương tác giữa các bên liên quan và công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chưa được công nhận như một công nghệ xanh.

 

Tổ chức UNIDO mong rằng với những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, cập nhật về lĩnh vực than sinh học tại Việt Nam không chỉ về kỹ thuật và còn ở khía cạnh chính sách. Trên cơ sở chia sẻ thông tin, chúng ta sẽ cùng theo dõi và đưa ra các ý kiến góp ý, tham vấn cho “Báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”.

 

Hội thảo cũng có sự tham gia của Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền  đơn vị đã nhận chuyển giao công nghệ từ Thuỵ Sỹ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam. Đây là đơn vị duy nhất nhận chuyển giao công nghệ lò đốt nhiệt phân thành công với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO) và hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO). Công nghệ này có tiềm năng chuyển đổi nhiều loại chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê, than bùn, vỏ sầu riêng…) thành năng lượng nhiệt và than sinh học, làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp. Đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản, cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải.

 

Ông Lê Viết Hiền Giám đốc Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền  đơn vị đã nhận chuyển giao và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam

 

Các đại biểu tham gia hội thảo cũng sôi nổi đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng dụng than sinh học, đóng góp thêm thông tin về chính sách và đưa ra các ý kiến đóng góp và đề xuất bổ sung thêm các nghiên cứu cung cấp thêm thông tin cơ sở phục vụ xây dựng quy định về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho than sinh học. Các bộ ngành và cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan tâm và đề nghị đề xuất các mô hình thí điểm khuyến khích sử dụng lò đốt công nghệ nhiệt phân tạo ra than sinh học đặc biệt hướng tới các doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.

 

Thông qua cuộc họp này Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ ngành, tổ chức UNIDO và các đối tác sẽ phối hợp để xây dựng mạng lưới than sinh học gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất/kinh doanh, các đơn vị xúc tiến thương mại/tổ chức chứng nhận, người sử dụng.. với mục tiêu để nâng cao sự tương tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường than sinh học. Đưa việc sử dụng than sinh học vào phục vụ cuộc sống nói chung và sản xuất nông nghiệp bền vững nói riêng. Đồng thời cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc và mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển trong lĩnh vực này để cùng xây dựng nên một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.