TRANG CHỦ > BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Rừng và sự đổi mới - Giải pháp vì một thế giới tốt đẹp hơn

(Ngày đăng tin: 21/03/2024,11:56:59)



Ngày Quốc tế về Rừng (21/3/2024) có chủ đề “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn” nhằm nhấn mạnh sự đổi mới sáng tạo có thể giúp con người khôi phục, bảo vệ, quản lý và sử dụng rừng một cách bền vững.

 

Nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế về Rừng, Hợp phần Quản lý rừng bền vững - Dự án VFBC do USAID tài trợ tổ chức Diễn đàn "Rừng và sự đổi mới" nhằm tôn vinh sự đa dạng của rừng Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức ngoài trời trong khung cảnh rừng tre và giữa những thửa ruộng bậc thang của xã Yên Thắng, huyện Láng Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

 

Diễn đàn “Rừng và sự đổi mới” bao gồm chuỗi các hoạt động như tọa đàm với các chủ đề về quản lý rừng bền vững, triển lãm không gian văn hóa mây tre lá với những sản phẩm sáng tạo do các tổ hợp tác mây tre đan được Dự án hỗ trợ sản xuất, và chương trình biểu diễn nghệ thuật sử dụng nhạc cụ tre truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

 

Diễn đàn “Rừng và sự đổi mới” hướng tới các mục tiêu: i) tôn vinh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tất cả các loại rừng; ii) thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan ở các cấp trong quản lý rừng bền vững; iii) chia sẻ các giải pháp đổi mới trong quản lý rừng - kết quả và các bài học kinh nghiệm; iv) xây dựng mô hình mẫu “Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” với nguồn nguyên liệu mây tre sẵn có tại địa phương cho cộng đồng dân tộc Thái thôn Peo, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh.

 


Tham dự Diễn đàn có bà Aler Grubbs , Giám đốc USAID Việt Nam, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Hợp tác kinh tế và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp; UBND tỉnh Thanh Hóa và các Sở ban ngành liên quan, các cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, các tổ hợp tác mây tre đan, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mây tre lá, tổ chức GIZ, RECOFTC, cùng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

 

 

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam tham gia các hoạt động
tại diễn đàn
Rừng và sự đổi mới


Ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, suy thoái rừng trên diện rộng do khai thác gỗ bất hợp pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và công tác quản lý rừng hạn chế dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Điều này đang ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Mặc dù độ che phủ của rừng trên toàn quốc đã tăng lên, nhưng tổng diện tích rừng tự nhiên và chất lượng rừng ở Việt Nam lại đang suy giảm. Do vậy, Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức trong ngành lâm nghiệp.

 


 

Sân khấu chương trình biểu diễn nghệ thuật sử dụng nhạc cụ tre truyền thống của đồng bào dân tộc Thái

 

Dự án VFBC đang hỗ trợ các cộng đồng sống dựa vào rừng, các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam. Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước và phát triển chuỗi giá trị mây tre lá cũng là định hướng của tỉnh trong giai đoạn này.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Kinh tế và Phát triển Nông thôn "Để phát triển chuỗi giá trị mây, tre lá bền vững tại Việt Nam cần xây dựng và mở rộng các vùng nguyên liệu mây tre lá được cấp chứng nhận; xây dựng liên kết giữa các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn, hợp tác xã, tổ hợp tác mây tre đan và cộng đồng; thúc đẩy du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các làng nghề; và sản xuất đồ dùng thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần".

 

 

Không gian văn hóa mây tre lá với những sản phẩm sáng tạo do các tổ hợp tác mây tre đan được Dự án hỗ trợ sản xuất

 

Dự án với tài trợ từ USAID đang cải thiện và tăng cường công tác quản lý rừng cộng đồng, nâng cao năng lực cho các thành viên trong cộng đồng thông qua các hóa tập huấn về quản lý tài chính, tuần tra rừng, kiểm kê rừng và xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng bền vững. Dự án hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với sự tham gia phụ nữ, đây được xem là những đổi mới trong quản lý rừng cộng đồng.


Diễn đàn “Rừng và sự đổi mới” là một trải nghiệm độc đáo nhằm tôn vinh các giá trị của rừng, sự tham gia của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời thể hiện sự cam kết của USAID và các đối tác trong  việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng, quản  rừng bền vững vì một Việt Nam xanh hơn, khỏe mạnh hơn.