TRANG CHỦ > Tin tổng hợp

Ngành Nông nghiệp nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về bình đẳng giới

(Ngày đăng tin: 15/12/2023,12:06:02)



Sáng ngày 15/12/2023 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) Việt Nam tổ chức “Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá quốc gia về giới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự trực tiếp có 50 đại biểu là đại diện cho các các bộ ngành có liên quan, các Cục, Vụ, Viện, trường thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế. Tham dự trực tuyến có Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội phụ nữ và Hội nông dân của 63 tỉnh thành.

 

Đánh giá quốc gia về giới trong nông nghiệp và sinh kế nông thôn được tổ chức FAO phối hợp với Bộ Nông nghiêp và PTNT thực hiện từ tháng 7 năm 2023 với mục đích rà soát tình hình bình đẳng giới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Trong quá trình đánh giá cho thấy, bất bình đẳng trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và sinh kế nông thôn vẫn tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau. Phụ nữ nông thôn bị hạn chế hơn nam giới trong tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học kỹ thuật) do các quan niệm vai trò giới truyền thống còn tồn tại. Phụ nữ đóng vai trò là nguồn lực lao động chính trong nông nghiệp ở nông thôn, nhưng tỷ lệ có việc làm của lao động nữ (lao động trả công) ở nông thôn lại thấp hơn nam giới.

 

Kết quả từ đánh giá này cũng tương đồng với kết quả của kỳ đánh giá trước là phụ nữ nông thôn tham gia vào hoạt động nông nghiệp nhiều nhưng cũng phải gánh vác công việc không được trả công nhiều hơn và vẫn hạn chế hơn nam giới về kỹ năng và kiến thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

 

Đại diện Đại sứ quán Pháp bà Majdie Hordern phát biểu tại hội thảo

 

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tích cực lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành. Bình đẳng giới đã được đưa thành một tiêu chí quan trọng trong các hệ thống tiêu chí, góp phần quan trọng hướng tới phát triển bền vững trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phụ nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được trao quyền nhiều hơn trong việc tiếp cận đến các dịch vụ tài chính, giáo dục…

 

Ông Vũ Thanh Liêm nhấn mạnh, đánh giá này sẽ là nền tảng để FAO, các đối tác phát triển có thể sử dụng để xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác với Việt Nam để cùng xây dựng quan hệ bình đẳng giới, tạo cơ hội đào tạo và tiếp cận đến các nguồn lực cho phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp họ gia tăng quyền ra quyết định và chủ động tiếp cận các nguồn tài chính, từ đó có các hành động cụ thể để tham gia vào phát triển kinh tế và các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao vị thế bản thân trong cộng đồng, xã hội…

 

Bà Ngô Thị Anh Tuyên – Phó chủ tịch công đoàn ngành Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu ý kiến tại hội thảo

 

Đánh giá này cũng cho chúng ta có được các số liệu và phân tích một cách toàn diện ở cấp quốc gia về giới trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT ở Việt Nam. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp và PTNT có  thể đưa ra các hoạch định chính sách cũng như xây dựng các đề án/chương trình phát triển của ngành phù hợp với các mục tiêu bình đẳng giới trên toàn cầu; đáp ứng các các cam kết của Việt Nam  trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bên vững của Liên hợp quốc và công ước CEDAW, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy được năng lực, tiếp cận và thích nghi với cơ hội mới, có đóng góp quan trọng cho mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh của Việt Nam”.