TRANG CHỦ > NÔNG THÔN MỚI

Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020

(Ngày đăng tin: 04/12/2020,04:15:26)



Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020

 

Sáng 03/12/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2016-2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025. 

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương, đại biểu 47 tỉnh trong cả nước. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng BCĐ TW CTMTQGNTM, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng BCĐ đồng chủ trì hội nghị.

Trong giai đoạn 2016-2020, với sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của một bộ phận người dân, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều khởi sắc.

Tính đến hết tháng 11/2020, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện (50%) thoát khỏi huyện nghèo nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Có 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM. Có 130/1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo (Chương trình 30a) được công nhận đạt chuẩn NTM.

Có 337/3.513 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%). Ước đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Về cơ bản đã đạt mục tiêu ‘Góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân’.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp &PTNT, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó: Ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương; Lồng ghép từ Chương trình MTQG Giảm nghèo và các Chương trình, dự án khác chiếm 15,5%; Tín dụng khoảng 64,1%; Doanh nghiệp khoảng 2,1%; Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG XDNTM trên cả nước đã đạt được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, tạo nên một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và được cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớn nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.

Do những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng, đất đai sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, số thôn, xã đạt chuẩn NTM ở vùng ĐBKK còn thấp so với các vùng khác,...

Để xây dựng NTM ở vùng ĐBKK trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: cần có cách làm sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện của mỗi vùng, miền; lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là điều kiện trung tâm, việc đầu tư xây dựng hạ tầng là để phục vụ phát triển kinh tế cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đời sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Về định hướng thực hiện xây dựng NTM đối với vùng ĐBKK trong giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng đề nghị sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Phấn đấu trong giai đoạn tới không còn tình trạng trắng đơn vị cấp huyện ở vùng ĐBKK về huyện NTM, phấn đấu các xã ở vùng ĐBKK phải đạt từ 15 tiêu chí xây dựng NTM trở lên.