TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

(Ngày đăng tin: 30/11/2020,10:39:14)



Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, hiến kế cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

 

Ngày 27/11/2020, Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo ‘Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025’.

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Lê Minh Hoan cho biết trước những tồn tại thách thức của ngành, sự phát triển nhanh chóng của thị trường và sự đổi mới của hội nhập quốc tế nhằm phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới. Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp &PTNT chủ trì nghiên cứu xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Các cơ quan, đại diện các bộ ngành, chuyên gia, các tổ chức quốc tế, hiệp hội và các doanh nghiệp… đã góp ý nhiều quan điểm, định hướng, chính sách cho Bộ Nông nghiệp &PTNT để triển khai xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Bùi Bá Bổng phát biểu: “cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn tới nên gắn liền với xây dựng nông thôn mới, cần hướng trọng tâm tới đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo đánh giá của đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Ngành Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới đang đối mặt với nhiều thách thức như: Năng lực cạnh tranh ngày càng thấp so với các lĩnh vực kinh tế khác; năng lực cạnh tranh toàn cầu yếu do chất lượng thấp, hệ lụy từ định hướng lấy sản lượng làm trung tâm trong giai đoạn đã qua; tốc độ và năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác; quy mô nông hộ siêu nhỏ còn lớn.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh toàn thế giới đang trong trạng thái “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ” nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Vì vậy, người làm nông nghiệp phải chủ động thích ứng với mọi sự thay đổi. Nội tại ngành Nông nghiệp hiện nay đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết như: Mâu thuẫn giữa sự phát triển với những thách thức, đe dọa đến từ biến đổi khí hậu cực đoan; giữa mong muốn lợi nhuận trong thời gian ngắn của doanh nghiệp, của người nông dân với tư duy xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Mẫu thuẫn giữa chủ trương tích hợp tổng thể và tư tưởng cục bộ đang diễn ra trong đời sống xã hội, cục bộ giữa các doanh nghiệp, giữa người nông dân, thậm chí là cục bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Mâu thuẫn giữa chủ trương, mục tiêu phát triển của từng địa phương khác nhau với việc tạo chuỗi liên kết vùng…

Ngoài ra, văn hóa hợp tác của các thành phần cùng tham gia xây dựng chuỗi liên kết như người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý… chưa khăng khít, còn rời rạc, thậm chí dẫm chân lên nhau.

Trong bối cảnh đó, sứ mệnh của ngành Nông nghiệp Việt Nam tới đây vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực của trên 100 triệu dân, đủ cả về lượng, cân đối về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh. Đảm bảo sinh kế cho hơn 9 triệu hộ nông dân (khoảng 26 triệu lao động nông thôn); cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp thực phẩm; bảo vệ môi trường, môi sinh và đa dạng sinh học...

Tầm nhìn của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, bên cạnh đảm bảo về an ninh lương thực - thực phẩm, còn phải trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị thương hiệu...

Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ yếu: (1) Cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chủ lực là Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương; (2) Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp; và (3) Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.