TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Phát triển ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị hàng hóa

(Ngày đăng tin: 24/11/2020,11:18:38)



Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp &PTNT và Bộ Công thương chủ trì Hội nghị sáng 23.11.2020.

 

Bộ Nông nghiệp &PTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn".

Nghị định số 52/2018/NĐ-CP tập trung vào xác định tiêu chí các làng nghề và các chính sách hỗ trợ để phát triển. Việc phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề góp phần quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là nơi mà sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT phát biểu: thời gian qua mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các ngành nghề vẫn tăng trưởng 20%. Đến năm 2020, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn là hơn 817.000 cơ sở; trong đó có 9.459 doanh nghiệp, 3.382 hợp tác xã, 6.553 tổ hợp tác và hơn 797.600 hộ gia đình, tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 thời điểm trước khi có Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Hình thức tổ chức sản xuất đã có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất nên số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tăng mạnh.

Để góp phần thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ các cơ chế chính sách phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017; trong đó các nhóm ngành nghề sản xuất đồ gốm sứ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc có giá trị cao nhất. Các sản phẩm từ ngành nghề nông thôn cũng có sự tăng trưởng xuất khẩu khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017 gồm các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: gốm sứ, mây tre cói thảm, thêu, dệt thủ công. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ; thị trường xuất khẩu chính vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu.