TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Hội nhập kinh tế quốc tế: Mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

(Ngày đăng tin: 21/07/2020,02:12:00)



Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế 

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế (20/7/2020), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đã khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian tới, nhiệm vụ ưu tiên của hội nhập kinh tế quốc tế là đảm bảo khai thác hiệu quả các hiệp thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA và các Hiệp định của ASEAN với các nước đối tác. Đồng thời xây dựng Chương trình hành động Ban Chỉ đạo liên ngành, trong đó thực thi ngay Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các xu hướng liên kết mới và trọng tâm hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và toàn cầu sau đại dịch, các vấn đề xung đột thương mại, các thể chế đa phương có tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư.

Trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế, cần đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA, các Hiệp định của ASEAN với các đối tác. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA hiện đang đàm phán, tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cụ thể:

  1. Chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA hiện đang đàm phán, tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
  2. Phối hợp thực hiện thành công các nhiệm vụ hội nhập ASEAN trong Năm Chủ tịch 2020, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam trong đề xuất, sáng kiến và thực thi tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025; tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương tầm khu vực và toàn cầu như APEC, WTO…