TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Ngành nông nghiệp xuất siêu gần 3 tỷ USD trong quý I/2020

(Ngày đăng tin: 06/04/2020,10:22:21)



 

Bộ Nông nghiệp &PTNT chiều 1/4/2020 cho biết, trong quý I/2020, cả nước chi 6,2 tỷ USD để nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, giảm 13,2% so với 3 tháng đầu năm 2019. Như vậy, kết thúc tháng 3/2020, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 2,9 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước.

Phân tích về xuất khẩu từng ngành hàng trong quý đầu năm, kim ngạch nhóm nông sản giảm 3,1%; nhóm lâm sản tăng 16,13%; nhóm thủy sản  giảm 14,0%; nhóm chăn nuôi giảm 21,8% so với quý I/2019. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ gạo, rau, sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, quê, mây tre,… 

Cụ thể: gạo đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,62 tỷ USD (tăng 15,9%)... Những mặt hàng giảm nhiều, như: cao su đạt 331 triệu USD (giảm 26,1%), chè đạt 37 triệu USD (giảm 19%), hồ tiêu đạt 163 triệu USD (giảm 13,9%), quả đạt 836 triệu USD (giảm 12,5%), cá tra đạt 238 triệu USD (giảm 61,5%),…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính có sự thay đổi  rất mạnh về thị phần. Trong quý đầu năm nay, Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trong xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, với kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 21,4% thị phần. Thị trường EU ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9% và chiếm 13,1% thị phần. Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 802 triệu USD, tăng 2,72%, chiếm 8,9% thị phần. Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 970 triệu USD, tăng 16,4% và chiếm 10,7% thị phần.

Nhận định xuất khẩu nông lâm thủy sản trong quý II sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, gây tê liệu lưu thông, tiêu thụ nông sản ở nhiều thị trường, Bộ Nông nghiệp &PTNT đang tập trung vào thực hiện các phương án, kịch bản xuất khẩu nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch.  Đồng thời, tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Mỹ, Brazil… 

Bộ Nông nghiệp &PTNT yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cùng các Cục, Vụ, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. Phải theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, làm việc với phía Trung Quốc để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững. 

Các cơ quan của Bộ NN&PTNT cũng phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, đặc biệt trong thời gian Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống dịch Covid-19.