TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Tuần lễ An ninh lương thực APEC và SOM 3 APEC 2018 tại Papua New Guinea

(Ngày đăng tin: 16/08/2018,10:43:56)



 

Từ ngày 4-11/8/2018, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp &PTNT đại diện cho Việt Nam tham dự ‘Tuần lễ An ninh lương thực APEC và Tuần lễ SOM 3 APEC 2018’ tại Papua New Guinea.

Trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC, đoàn Việt Nam đã tham dự 8 cuộc họp tại các diễn đàn: Đối tác An ninh lương thực (PPFS); Công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB); Đại dương và Nghề cá (OFWG); Nhóm hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG); Ứng phó khẩn cấp (EPWG) và Thương mại Gỗ trái phép (EGILAT) và Tuần lễ SOM 3 APEC tại Papua New Guinea, trong đó bao gồm Cuộc họp chung lần thứ hai của 04 diễn đàn liên quan đến nông nghiệp thủy sản và an ninh lương thực.

Sau Tuyên bố Cần Thơ tại Tuần lễ an ninh lương thực trong khuôn khổ năm APEC 2017, Kế hoạch hành động về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn – thành thị và tăng trưởng chất lượng, số lượng dự án đệ trình APEC xem xét triển khai đã tăng khoảng 30% so với các năm trước. Điều này cho thấy 03 văn kiện đạt được tại Cần Thơ đã tạo ra một động lực mới, tăng cường hơn nữa hợp tác trong khu vực.

Tại diễn đàn PPFS, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp nối cho vai trò Chủ tịch của Nhóm năm 2017, bốn bài phát biểu và báo cáo của Việt Nam tại cuộc họp này nhấn mạnh vào các nội dung như: mong muốn các văn kiện đạt được tại Cần Thơ không chỉ truyền cảm hứng cho APEC mà sẽ được chuyển tải thành những hoạt động thiết thực, giúp tăng cường hợp tác, củng cố an ninh lương thực trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, cũng đã nhấn mạnh các ưu tiên về an ninh lương thực, phát triển toàn diện, tăng trưởng chất lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông ngư nghiệp và hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng bền vững.  

Liên quan đến vấn đê phát triển bao trùm và trao quyền cho nữ giới đang lao động trong nông ngư nghiệp, Việt Nam đã nêu bật các ưu tiên và kêu gọi các nền kinh tế xây dựng chính sách pháp luật trong nước nhằm tăng cường nhận thức của nữ giới và tăng cường năng lực cho nữ giới thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến ngư; kêu gọi các nền kinh tế đề xuất các chương trình dự án trong khuôn khổ của các nhóm PPFS, ATC, HLPD AB và OFWG…

Về Quản lý nghề cá có trách nhiệm và chống đánh bắt bất hợp pháp, Việt Nam khẳng định quyết tâm và đưa các minh chứng cho nỗ lực không mệt mỏi trong 5 năm trở lại đây nhằm tăng cường quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm, trọng điểm là chống khai thác IUU.

Về Quản lý rác thải biển, Việt Nam kêu gọi nỗ lực thiết lập cơ chế khu vực để ngăn chặn và quản lý rác biển và thực hiện các chương trình hợp tác, dự án kiểm soát rác thải biển trong khu vực.

Ứng phó với thiên tai trên biển, Việt Nam đề nghị phải tăng cường hợp tác giữa hai diễn đàn OFWG và EPWG của APEC, kêu gọi các nền kinh tế APEC xem xét hình thành quỹ dự trữ khẩn cấp dành cho các khu vực ven biển và thảo luận khả năng hợp thác, hình thành các quỹ tài chính nhỏ dành cho cộng đồng ven biển để phục hồi sau thảm họa, thiên tai.

Trong khuôn khổ Diễn đàn này, Việt Nam đã chia sẻ các chính sách ưu tiên của mình trong các chương trình và hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai thực hiện Khung hành động Sendai và

khung hành động của APEC.  Theo đó, để tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa, thiên tai, Việt Nam đã kiến nghị cần tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, ứng dụng công nghệ để đưa ra cảnh báo sớm; hình thành mạng lưới hotline phục vụ tìm kiếm cứu nạn.

(Chi tiết toàn văn 12 phát biểu và báo cáo cập nhật của Việt Nam tại các cuộc họp có thể liên hệ Phòng Hội nhập và Đầu tư, Vụ Hợp tác Quốc tế để tham khảo).