TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Dự kiến đến năm 2020, toàn bộ 16 FTA Việt Nam tham gia sẽ có hiệu lực

(Ngày đăng tin: 07/11/2016,10:49:27)



Hội nghị Kinh tế Đối ngoại – Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 gồm 8 phiên nghị sự về Định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu và các phiên chiến lược về tiêu dùng, tương lai ngành chế tạo, sản xuất gạo của Việt Nam, phát triển công nghiệp Việt Nam… Hội nghị nhằm truyền tải thông điệp quyết tâm của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về đổi mới toàn diện, cải cách mạnh mẽ kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Đồng thời trực tiếp tiếp thu những phản hồi về chính sách phát triển kinh tế từ các tập đoàn xuyên quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Năm 2015, quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 200 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đạt khoảng 2.100 USD; Chính trị - Kinh tế -Xã hội luôn được giữ vững, ổn định.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ chủ trương tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và sẽ chú trọng hơn về phát triển bền vững, nhất là bảo vệ môi trường. Chính phủ khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, sử dụng công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường khuyến khích liên kết giữa các vùng nhằm tránh tình trạng cạnh tranh thu hút đầu tư bằng mọi giá, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, trước đây nền kinh tế của Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ, sử dụng nhiều vốn. Ngày nay, những nhân tố này không còn phát huy tác dụng như trước, do đó, Chính phủ chủ trương chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng phát triển trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ, kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều sâu và chiều rộng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chỉ có TPP, Việt Nam còn ký kết một loạt FTA với các đối tác. Dự kiến đến năm 2020, khi toàn bộ 16 FTA nước ta tham gia đi vào thực thi, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15/20 nước thuộc Nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất quan tâm và kỳ vọng nhằm tranh thủ tối đa lợi ích của liên kinh tế này mang lại.