TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam tham gia các FTA, cơ hội và thách thức khi mở rộng thị trường nông sản

(Ngày đăng tin: 13/06/2016,10:19:25)



Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán và TPP được coi là Hiệp định thương mại toàn diện chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu và nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững và việc làm tại các quốc gia châu Á và vành đai Thái Bình Dương. Hiệp định mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi. Một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tham gia Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải chịu sức ép cạnh tranh cao hơn với hàng nhập khẩu trên thị trường trong nước. Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều hàng rào phi thuế có xu hướng tăng cao. Các quy định khác của TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường… cũng đặt ra những quy tắc rất chặt chẽ. Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại nhiều ở những mức độ khác nhau.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định thương mại tự do FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó cần bảo đảm an toàn và chất lượng cho sản phẩm thực phẩm và rau, củ, quả. Cải tiến và hoàn thiện hệ thống chế biến, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nguyên, phụ liệu. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân tham gia sản xuất, bảo đảm thực phẩm được sử dụng, chế biến đúng quy trình…