TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam – Đức thúc đẩy hợp tác về cơ giới hóa nông nghiệp

(Ngày đăng tin: 02/03/2023,10:45:01)



Ngày 02/3/2023, tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có cuộc họp tiếp đón Ông Jens Kremer- Giám đốc Điều hành Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) và các thành viên cùng đoàn công tác. Tại cuộc họp Thứ trưởng đã nhắc tới quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Đức trong thời gian qua về phát triển kinh tế, thương mại nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

 Thứ trưởng cảm ơn Hiệp hội Nông nghiệp Đức đã phối hợp với  Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện sự kiện Agritechnica vào tháng 8/2022 tại Cần Thơ. Sự kiện được tổ chức thành công đã tạo nền tảng để các doanh nghiệp của Đức và Việt Nam có thêm cơ hội giao thương, hợp tác thương mại và kỹ thuật nhằm giúp nông dân các nước trong khu vực tiếp cận được với công nghệ sản xuất nông nghiệp mới góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tiếp Ông Jens Kremer- Giám đốc Điều hành Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) (Ảnh: Bùi Ngọc Anh)

 

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành 1 trong 10 cường quốc về lĩnh vực nông nghiệp, vì thế cơ giới hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong trồng trọt mà cả trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để giảm chi phí sản xuất cho người nông dân. Hiện giờ trình độ cơ giới hóa trong lĩnh vực thủy sản và trồng cây ăn quả của Việt Nam còn ở mức thấp nên việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ giới hóa rất cần thiết đối với nông nghiệp Việt Nam.

 

Thứ trưởng đề xuất ông Jens Kremer về ý tưởng hợp tác với Việt Nam xây dựng trung tâm dịch vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Mục đích để hỗ trợ máy móc thiết bị cơ khí quy mô vừa và nhỏ thích hợp với điều kiện sản xuất, xây dựng cơ chế dịch vụ để nông dân có thể tiếp cận và sử dụng được các dịch vụ cơ giới hoá. Và tiến tới mở thêm 01 trung tâm cơ giới hóa cho vùng Đồng băng sông Hồng để tập trung vào đào tạo, huấn luyện về cơ giới hóa và đổi mới sáng tạo.

 

Việt Nam cũng đề nghị phía Đức xem xét hỗ trợ các dự án xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững cho một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, cây ăn trái, thuỷ sản, xây dựng/hoàn thiện chuỗi cung ứng để nông sản này có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam để tư vấn cho các Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bao gồm chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất, liên kết, thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các dự án ODA tiếp tục giới thiệu và phổ biến những đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, góp phần phát triển nông thôn bền vững ở một số vùng nông thôn của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Về lâm nghiệp, Việt Nam hiện có tỷ lệ che phủ rừng cao khoảng 42%, diện tích trồng rừng hơn 277.830 ha và vùng nguyên liệu khá phong phú nên cần tập trung phát triển ngành chế biến gỗ thay vì đang chủ yếu xuất khẩu ván dăm, viên gỗ nén. Ngành lâm nghiệp đang rất cần các công nghệ về hệ thống phát hiện sớm và cảnh báo sớm cháy rừng, sâu bệnh hại, thiết bị khai thác bảo quản lâm sản, cắt tỉa cây rừng…Nếu hai bên có thể phối hợp tổ chức một hội chợ triển lãm về thiết bị nông lâm nghiệp sẽ rất phù hợp, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam có thể đăng cai địa điểm tổ chức sự kiện này.

 

Ông Jens Kremer- Giám đốc Điều hành Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG)

 phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Bùi Ngọc Anh)

 

Ông Jens Kremer rất quan tâm đến các đề xuất của Thứ trưởng về hợp tác giữa hai bên. Ông đã cho biết: “Triển lãm cơ giới hóa lâm nghiệp là rất đáng quan tâm vì Việt Nam có tiềm lực xuất khẩu lâm nghiệp lớn gần 14,1 tỷ đô la Mỹ năm 2022. Vì vậy, nếu kết hợp được cơ giới hóa sẽ làm gia tăng giá trị lâm nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ có các hoạt động về truyền bá các kiến thức, công nghệ tại những hội chợ triển lãm này”.

 

Hiệp hội nông nghiệp Đức rất sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển những trung tâm mới hoặc mở rộng thêm những trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp hiện có. Ông Jens Kremer đề xuất hai bên sẽ thảo luận thêm về kế hoạch hợp tác và cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Việt Nam và Đông Nam Á là nơi các doanh nghiệp Đức rất quan tâm, Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp còn Đức có thế mạnh về công nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp, chúng ta nên tận dụng và phát huy cơ hội này để tăng cường hợp tác đầu tư phát triển hơn nữa thế mạnh của mình. Hiệp hội Nông nghiệp Đức sẽ là đối tác tin cậy, đồng hành cùng Việt Nam trên con đường phát triển nông nghiệp.