TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Thúc đẩy hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Hà Lan lên tầm cao mới

(Ngày đăng tin: 14/12/2022,09:58:08)



Trong chương trình thăm chính thức Vương quốc Hà Lan từ ngày 11-13/12 của TTCP Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có có hoạt động riêng tập trung vào các vấn đề nông nghiệp tại Hà Lan. Bộ trưởng đã đi thăm mô hình bơm cát lấn biến giảm thiên tai, hàng rào chống lũ Maeslantkering, Trung tâm nhà vườn Thế giới (WHC) tại Naaldwijk, dự Diễn đàn nhà vườn Việt Nam - Hà Lan, Làng cổ Giethoorn…và cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban lãnh đạo cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình bơm cát lấn biển của Hà Lan - Ảnh Báo Nông nghiệp

 

Trung tâm nhà vườn thế giới là trung tâm kiến ​​thức và đổi mới về làm vườn nhà kính quốc tế. Đây là nơi tạo ra nền tảng hàng đầu cho doanh nghiệp, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và chính phủ cùng đổi mới, kết nối, truyền cảm hứng và chia sẻ kiến ​​thức. Đây là một tổ hợp điển hình về sự kết nối theo công thức “Tam giác vàng” giữa chính phủ - cơ sở nghiên cứu - doanh nghiệp. Các cơ sở nghiên cứu, chế tạo máy móc liên quan đến trồng trọt gửi tới đây các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng, vừa là công cụ học tập, nghiên cứu, vừa là công cụ sản xuất ra sản phẩm thương mại.

Trung tâm có 3 khu liên hoàn: giáo dục đào tạo, nghiên cứu-phát triển, hợp tác kinh doanh. Nơi này cũng là diễn đàn chia sẻ về công nghệ, đổi mới sáng tạo của lĩnh vực trồng trọt trong nhà kính. Bên cạnh đó, trung tâm còn có khu nghiên cứu hiện đại với 40 phòng thí nghiệm, nơi các nhà nghiên cứu, doanh nhân và các tổ chức giáo dục khác nhau cùng tiến hành nghiên cứu.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Trung tâm Nhà vườn thế giới - Ảnh Báo Nông nghiệp

 

Tại trung tâm nhà vườn quốc tế (WHC - World Horti Centre), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan Bộ trưởng đã có bài phát biểu và chia sẻ nền nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua giai đoạn ăn đủ no, tự cung tự cấp tiến tới xuất khẩu nhưng lại dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để thích ứng với tình hình hiện nay, mô hình phát triển nông nghiệp của Hà Lan có thể nói là rất phù hợp với Việt Nam trong điều kiện đất đai hạn hẹp bị giới hạn, dân số ngày càng đông và tác động từ biến đổi khí hậu không có chiều hướng giảm. Do vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải chuyển đổi hướng tới một nền nông nghiệp đa giá trị hay còn gọi là “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”. Việt Nam cũng đang theo đuổi và phấn đấu có được nhiều làng quê giàu đẹp, hạnh phúc gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng/OCOP, từ đó có sự lan tỏa cao đến các vùng nông thôn cả nước.

Về Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng đề nghị Hà Lan giúp đỡ Việt Nam về công nghệ chế biến, thị trường, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và Việt Nam có thể giúp Hà Lan về phát triển nguyên liệu. Thông qua đó, hai bên đều có thể mở rộng thị trường cho nhau.

Ngoài ra Bộ trưởng cũng đề nghị phía bạn hỗ trợ Việt Nam về: hệ thống kho lạnh, logistics vùng ĐBSCL để hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản, đặc biệt tại Cần Thơ tạo thành trung tâm trung chuyển, kết nối cho toàn vùng ĐBSCL. Mục tiêu là hướng ĐBSCL là trung tâm cung ứng nông sản thực phẩm bền vững cho Hà Lan và EU; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo thực phẩm cho vùng Đông Nam Á và 100 triệu nông dân canh tác phát thải thấp. Bên cạnh đó, cũng đề nghị Hà Lan phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị quốc tế năm 2023 về hệ thống thực phẩm tại Việt Nam nhằm góp phần đảm bảo ANLT trước bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và xung đột tại nhiều nơi làm đứt gãy nguồn cung ứng; Hỗ trợ kĩ thuật/thu hút đầu tư/ODA và các mô hình canh tác thuận thiên/nông nghiệp sinh thái để tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với giảm phát thải; và đề nghị Chính phủ Hà Lan tiếp tục ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để EU tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất; đồng thời hỗ trợ truyền thông về chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam và hỗ trợ người dân ven biển phát triển sinh kế.

Giám đốc WHC Puck van Holsteijn cho rằng, Việt Nam có 2 trung tâm nông nghiệp lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, 2 vùng sản xuất nông nghiệp này đang sử dụng các công nghệ khác nhau trong sản xuất. WHC có thể cung cấp giống, công nghệ để nông nghiệp Việt Nam phát triển với năng suất, chất lượng cao.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, sau chuyến thăm này, quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hà Lan sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Việt Nam sẽ học tập những cách thức của Hà Lan, không coi biến đổi khí hậu là nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế, ngành nông nghiệp, mà còn nhìn nhận đó là cơ hội để tận dụng phát triển, biến nguy thành cơ, biến khó thành thuận.