TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam và EU kết thúc rà soát pháp lý EVFTA

(Ngày đăng tin: 27/06/2018,09:32:17)



 

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thương mại Cecilia Malmström tại Brussels, Vương quốc Bỉ, đã thông báo chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU tại phiên làm việc ngày 25/6/2018.

Hai bên cũng đã thảo luận lộ trình hợp tác trong thời gian tới để có thể đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên, trong đó có việc EU giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực để có thể tận dụng một cách có hiệu quả Hiệp định FTA sau khi được ký kết và đi vào thực thi.

Khuôn khổ hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ việc triển khai các cam kết trong Hiệp định FTA, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ ... để hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi. 

Về những thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh trong thời gian rất ngắn từ nay tới trước tháng 3/2019, Việt Nam phải chuẩn bị để đảm bảo giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu trong việc thông qua các Hiệp định.

Bộ trưởng nhận định thế giới đang đứng trước nhiều biến động, đặc biệt là sự xuất hiện của những quan điểm cực đoan về bảo hộ mậu dịch, của chủ nghĩa đơn phương viện cớ an ninh hay các lợi ích thương mại và kinh tế, trong khi vẫn tồn tại một số trở lực tìm cách ngăn cản việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định.

Đây là một thực tế mà cả Việt Nam và EU phải đối mặt, và hai bên sẽ cùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu và lợi ích chung. 

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điểm nổi bật trong cơ cấu trao đổi thương mại Việt Nam - EU là tính bổ sung tương đối cao trong khi các yếu tố mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp là rất ít.

Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên trên 50,4 tỷ USD năm 2017. Các nhà đầu tư EU hiện có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, trong đó chủ yếu tập trung vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.